Cho dù còn chưa phát triển xứng đáng với tiềm năng quốc gia vốn có với gần 100 triệu dân và 90% dân số trên 15 tuổi biết chữ, văn hóa đọc trong khoảng 10-15 năm trở lại đây đã có nhiều tín hiệu tích cực. Ngày càng nhiều thanh thiếu niên tìm đến với sách. Tuy nhiên, đọc sách không đơn giản chỉ là chuyện “phong trào”. Đây là công việc cần tiến hành bền bỉ và có chiều sâu. Sự tiến triển của văn hóa đọc không chỉ là chuyện mỗi người dân đọc bao nhiêu cuốn sách mỗi năm mà còn là chuyện đọc những sách gì và đọc như thế nào. Trong những dịp giao lưu, trò chuyện với bạn đọc là thanh thiếu niên tôi thường khéo léo tìm hiểu xem họ đọc gì. Sau nhiều lần tiến hành điều tra tại chỗ như vậy, tôi nhận ra sách “sefl-help” hay còn gọi là “sách kĩ năng” rất được bạn đọc tuổi từ 13-25 ưa chuộng. Thú vị hơn là có một số cuốn được nhắc đến thường xuyên chứng tỏ mức độ phổ biến của nó. Kết quả này cũng trùng khớp với danh sách các “sách bán chạy” mà các trang web thương mại điện tử thường đưa ra.
Hai thái độ đối với sách self-help
Sách self-help hay còn gọi là sách “tự lực” hoặc thông dụng hơn và rộng hơn là “sách kĩ năng” là cách gọi xuất phát từ tiếng Anh (self-help book). Nó chỉ những cuốn sách khơi gợi cảm hứng và hướng dẫn cách thức để cá nhân hoàn thiện bản thân và giải quyết các vấn đề của cá nhân trong cuộc sống. Người ta cho rằng nguồn gốc của dòng sách này bắt nguồn từ cuốn sách nổi tiếng “Tinh thần tự lực-Những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì” của Samuel Smiles (1812-1904) vốn có tên ban đầu trong tiếng Anh là “Self-Help”. Như vậy ta thấy dòng sách này có nguồn gốc từ thời cận đại, đã từng phổ biến khắp thế giới trước khi du nhập vào Việt Nam. Ở Nhật sách “self-help” được gọi là “sách phát triển bản thân” hoặc sách “ khai sáng bản thân”. Đây là dòng sách hướng đến việc làm cho bản thân phát triển lên một tầm cao mới thể hiện ở việc có “năng lực cao hơn”, “thành công lớn hơn”, “cách sống phong phú hơn”, “nhân cách ưu tú hơn”. Bản thân cuốn sách “Self-help” của Samuel Smiles cũng có ảnh hưởng đến người Nhật từ rất sớm. Nakamura Masao, một viên chức của Mạc phủ Tokugawa khi du học tại Anh năm 1866 đã đọc được cuốn này, mang về Nhật Bản, dịch ra tiếng Nhật với tựa mới là “Tây quốc lập chí biên”. Cuốn sách ngay khi xuất bản (1871) đã gây tiếng vang lớn ở Nhật. Đây cũng là một trong những cuốn sách mà các “thị giảng” chọn cho thiên hoàng Minh Trị đọc và đã bán được khoảng trên một triệu bản tính đến cuối thời Minh Trị. Khi “Học chế” –văn bản xác lập hệ thống giáo dục quốc dân cận đại, được ban hành năm 1872, nó còn được bộ giáo dục Nhật Bản chọn làm sách giáo khoa sử dụng trong các trường học. Việc này kéo dài cho tới năm 1883.
Trong thế giới hiện đại ngày nay, sách “self-help” cũng vẫn “làm mưa làm gió” trên thế giới và ở Việt Nam. Những cuốn sách như “Đắc nhân tâm”, “Bảy thói quen của người thành đạt”… vẫn được rất nhiều người mến mộ.
Tuy nhiên trong cách thức tiếp cận với dòng sách này, khi quan sát ở phạm vi rộng lớn, ta sẽ thấy tồn tại song song hai thái độ của hai nhóm độc giả.
Một nhóm say mê, thích thú với dòng sách này và hầu như chỉ đọc các sách self-help. Ta có thể dễ dàng tìm thấy những bạn trẻ say mê nói về những cuốn sách đó và chuyện nó đã làm cho các bạn tự tin, lạc quan, phấn chấn, tạo ra động lực như thế nào.
Một nhóm khác lại chỉ trích dòng sách này khi cho rằng đó chỉ là các cuốn sách “gây mê”, là “nước đường”, “thuốc an thần” mà không có tác dụng thực tiễn và không có lợi cho sự phát triển lành mạnh của cá nhân. Các lý do chủ yếu mà nhóm này đưa ra là các cuốn sách dạng này chủ yếu nói về điều hay, điều tích cực, sự thành công của các nhân vật nổi tiếng trong khi đời sống xã hội khắc nghiệt hơn và không phải ai cũng giống như những người nổi tiếng đó. Đọc nhiều sách self-help giống như người đọc tự say với viễn cảnh mà cuốn sách vẽ ra và cá nhân sẽ rơi vào ảo tưởng dẫn tới thất bại.
Trong hai nhóm này, chân lý thuộc về nhóm nào?
Có nên đọc sách self-help?
Cả hai nhóm nói trên đều có lý. Sách self-help đã có lịch sử hơn 100 năm và vẫn góp mặt trong danh sách các cuốn sách bán chạy trên toàn thế giới, được nhiều người đọc. Bản thân điều đó cũng nói lên nó vẫn còn lý do để tồn tại. Không phải sách nào bán chạy cũng là sách hay nhưng sự hiện diện của chúng, sự chinh phục đông đảo độc giả ít nhiều cũng là một hiện tượng đáng lưu tâm và nó cũng chạm đến những vấn đề quan trọng nào đó. Điểm mạnh của sách “self-help” nằm ở mấy điểm sau.
Thứ nhất nó dễ đọc và hấp dẫn. Những tác giả viết sách self-help thường rất hiểu tâm lý của nhóm đối tượng bạn đọc mà họ hướng tới và có khả năng trình bày nội dung rất lôi cuốn, dễ hiểu. Chính vì vậy người đọc cảm thấy dễ đọc, tác giả nói trúng những vấn đề mình đang quan tâm, đang muốn giải quyết. Những cuốn sách self-help thường đi thẳng vào vấn đề người đọc đang quan tâm, không diễn giải vòng vo cho nên bạn đọc không có cảm giác nặng nề.
Thứ hai, sách self-help thường kể các câu chuyện thành công, kích thích mơ ước, hi vọng và khao khát thành công của cá nhân. Mơ ước, thành công là nhu cầu tự nhiên của mỗi cá nhân. Ở độ tuổi thanh thiếu niên thì điều này càng mạnh mẽ. Khi đọc các câu chuyện về thành công người đọc sẽ cảm thấy phấn chấn, lạc quan và hạnh phúc vì vẽ ra trong đầu mình viễn cảnh tươi sáng.
Thứ ba, sách self-help lặp đi lặp lại một “chân lý” rất hấp dẫn là sức mạnh nằm trong bản thân mỗi người, sự thành công nằm ở trong mỗi người, nếu cá nhân cố gắng và làm đúng phương pháp, điều kì diệu sẽ xảy ra. Câu nói “Chúa giúp ai biết tự giúp mình” trong tác phẩm “Self-help” của Samuel Smiles trở nên nổi tiếng thế giới cũng vì lẽ đó.
*** Bài viết liên quan: “Tủ Sách Tinh Hoa” không thể bỏ qua – Thầy Trần Việt Quân đã chọn lọc và gợi ý cho mọi gia đình
Đấy là những điểm mạnh của sách self-help và đấy cũng là điểm tốt. Tuy nhiên, nếu bạn đọc không đọc sách bằng tư duy phê phán và có nền tảng văn hóa vững chắc, phong phú thì tất cả những điểm mạnh trên, tác dụng tích cực trên sẽ lại biến thành “nhược điểm” và gây hại.
Bởi vì sách self-help thường đi thẳng vào vấn đề cần thiết nhất cần truyền đạt là “động lực”, “kĩ năng” và “truyền cảm hứng” cho nên các tác giả chủ yếu mô tả các ví dụ đã thành công trong thực tiễn và các bước “làm thế nào” thuộc về phương diện kĩ thuật.
Tuy nhiên, sự tiến bộ của con người cần đến thời gian, quá trình trải nghiệm và rất phức tạp. Đông lực sẽ tan biến khi cá nhân không có một ý chí được rèn luyện lâu dài, kĩ năng sẽ không thể hình thành và không vững chắc khi cá nhân không có nền tảng tri thức và trải nghiệm phong phú, cá nhân cũng không thể thành công nếu như không biết học hỏi từ cả sách vở thông qua đọc, suy ngẫm và hành động trong thực tiễn.
Để dễ hiểu ta có thể hình dung, sách self-help là một bộ phận cần thiết nhưng nó chỉ là phần giữa của tháp. Phần đỉnh tháp là thành công. Phần chân tháp là kiến thức, văn hóa nền tảng. Muốn đọc sách self-help để đi tới thành công, thì trước đó và đồng thời với nó thanh thiếu niên, những người đang trong giai đoạn xây dựng cho mình một nền tảng văn hóa phong phú phải xây dựng cho mình một chân tháp vững chắc.
Chân tháp đó phải được xây dựng từ việc đọc “thiên kinh vạn quyển” các cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như triết học, tâm lý, lịch sử, địa lý, tôn giáo, khoa học… Nếu chỉ đọc sách sefl-help thuần túy sẽ giống như chỉ ăn duy nhất một món ăn sẽ dẫn tới mất cân bằng dinh dưỡng và suy nhược. Có một cách hay để các bạn trẻ vừa đọc sách self-help vừa bồi dưỡng văn hóa nói chung cho mình là khi đọc sách sefl-help thấy nhắc đến nhân vật nào, cuốn sách nào ở trong đó hãy tìm đọc tối đa sách viết về nhân vật đó, đọc cho hết những cuốn sách được nhắc tới ở đó. Bằng cách ấy dần dần, thế giới của bạn sẽ rộng mở và xây dựng được “chân tháp”. Những người thành công mà sách self-help thường dẫn ra thực chất là những người đã học hỏi không ngừng nghỉ cả trong sách vở và thực tiễn. Họ đã từng trải qua rất nhiều thất bại trước khi đến được thành công.
Tác giả Nguyễn Quốc Vương
Theo dõi tụi mình trên Facebook tại Tủ Sách Tinh Hoa để cập nhật thêm những bài viết và những cuốn sách giá trị nhé ^^
***Có thể bạn quan tâm: Những cuốn sách hay đối với học sinh tiểu học Tuệ Đức