Review sách: Search Inside Yourself – Tạo Ra Lợi Nhuận Vượt Qua Đại Dương Và Thay Đổi Thế Giới

Review sách: Search Inside Yourself – Tạo Ra Lợi Nhuận Vượt Qua Đại Dương Và Thay Đổi Thế Giới

“Văn hóa Google” một cụm từ mà dường như ai cũng biết đến khi nói về công việc ở Google. Vậy điều gì đã làm nên “một nền văn hóa” khiến ai cũng ngưỡng mộ, khiến cho Google có thể phát triển bền vững và lớn mạnh như ngày nay? Bí quyết ở đây là những khóa học mà Google cung cấp cho nhân viên của mình giúp họ phát triển toàn diện, xây dựng hệ thống kỹ năng mềm bên cạnh những kỹ năng nghề nghiệp thiết yếu.

Trong số đó chúng ta không thể không nhắc đến khóa học Search inside yourself (Tìm kiếm bên trong bạn) nổi tiếng của Chade-Meng Tan – người được ưu ái gọi với cái tên “Người bạn tốt của Google mà không ai có thể từ chối”. Search inside yourself là một khóa học về trí thông minh cảm xúc dựa trên thiền, một khóa học luôn luôn được mọi người săn đón ở Google bởi sự hiệu quả tích cực mà nó mang lại đã được kiểm chứng bởi chính những người trực tiếp tham gia khóa học.

Review sách: Search Inside Yourself – Tạo Ra Lợi Nhuận Vượt Qua Đại Dương Và Thay Đổi Thế Giới
Review sách: Search Inside Yourself – Tạo Ra Lợi Nhuận Vượt Qua Đại Dương Và Thay Đổi Thế Giới

Nhưng với mong muốn mang thiền đến với mọi người như một bộ môn khoa học và lớn lao hơn là “giải cứu thế giới”, Meng đã cho ra đời cuốn sách Search inside yourself như một bản chỉ dẫn chi tiết về khóa học cùng tên. Đó là sự kết hợp sáng tạo giữa phương pháp thiền cổ xưa và trí thông minh cảm xúc hiện đại, không quá khó khăn để mỗi người chúng ta có thể tự bắt đầu với việc thiền. Nếu bạn luôn cảm thấy bế tắc trong cuộc sống, và đôi khi là hành động vượt ngoài tầm kiểm soát thì đây chính là cuốn sách dành cho bạn. Bởi, hãy tìm kiếm bên trong bạn trước khi tìm kiếm những thứ khác ở thế giới bên ngoài.

 

Chương 1: Thậm chí một kỹ sư cũng có thể thành công về trí thông minh cảm xúc

Hãy nhìn vào bên trong, đó là suối nguồn của mọi điều tốt đẹp” – Marcus Aurelius

“Hãy nhìn vào bên trong, đó là suối nguồn của mọi điều tốt

Hãy bắt đầu bằng định nghĩa về trí thông minh cảm xúc của Peter Salovey và John D. Mayer: “Khả năng theo dõi cảm giác và cảm xúc của mình cũng như của người khác, phân biệt chúng và sử dụng thông tin này để dẫn dắt tư duy và hành động của mình”.

Câu hỏi đặt ra ở đây là trí thông minh cảm xúc giúp ích gì cho cuộc sống của chúng ta? Để trả lời cho câu hỏi này, Meng cho rằng trong bối cảnh công sở, trí thông minh giúp trang bị bộ ba kỹ năng quan trọng:

1. Hiệu suất làm việc nổi bật

2. Năng lực lãnh đạo xuất sắc

3. Khả năng tạo ra các điều kiện cho hạnh phúc

Có thể tóm gọn những kỹ năng mà trí thông minh cảm xúc mang lại cho chúng ta là tối ưu hóa bản thân. Đó là khi bạn hoạt động ở mức độ cao hơn mức độ mà bạn vốn đã có khả năng đạt được. Thậm chí dù bạn đã xuất sắc trong công việc rồi, việc mài giũa các năng lực cảm xúc vẫn có thể mở rộng giới hạn của bạn.

Trí thông minh cảm xúc là tập hợp các kỹ năng cảm xúc, và như mọi kỹ năng khác, các kỹ năng cảm xúc có thể đào tạo được.

Có hai bước cơ bản để đào tạo trí thông minh cảm xúc của bản thân là: Rèn luyện sự chú ý và Rèn luyện ở cấp độ sinh lý.

Sự chú ý khỏe mạnh, ổn định và tỉnh táo, có khả năng đem lại cho bạn sự bình tĩnh và sáng suốt chính là nền tảng để xây dựng nên trí thông minh cảm xúc. Như Viktor Frankl đã nói: “Giữa kích thích và phản ứng, có một khoảng cách. Thứ nằm trong khoảng cách đó là sức mạnh và sự tự do của chúng ta trong việc lựa chọn phản ứng của mình. Thứ nằm trong phản ứng của chúng ta là sự phát triển và hạnh phúc của chúng ta”. Để rèn luyện sự chú ý, bạn có thể bắt đầu với phương pháp Thiền chánh niệm, có thể hiểu đơn giản đó là: “chú ý theo một cách thức nhất định: có mục đích, trong thời điểm hiện tại, và không phán xét”, Jon Kobat-Zinn hay “giữ cho ý thức sống với thực tại”, Thích Nhất Hạnh.

Một khi chúng ta đã phát triển được sự chú ý khỏe mạnh, ổn định và tỉnh táo thì hãy tập trung nó vào cơ thể để tạo ra sự sống động và độ phân giải cao trong việc nhận biết cảm xúc. Nó giúp nhận thức của bạn trở nên tinh tế cả về không gian và thời gian đến mức bạn có thể theo dõi một cảm xúc vào đúng khoảnh khắc nó xuất hiện, có thể nhận thức những thay đổi vi tế của nó khi nó tăng rồi lại giảm, và khoảnh khắc nó biến mất.

Bee, just bee” – “Hãy tồn tại, chỉ tồn tại mà thôi

“Bee, just bee” – “Hãy tồn tại, chỉ tồn tại mà thôi”

Hãy bắt đầu rèn luyện tâm trí với bài tập thiền trong hai phút để tăng cường trí thông minh cảm xúc. Hai phút mỗi ngày chỉ đơn giản là tận hưởng sự tồn tại và chú ý đến hơi thở. Nếu tập đủ thường xuyên, nó khiến sự an tĩnh và sự rõ ràng vốn có trong tâm trí trở nên sâu sắc hơn, giúp bạn trân trọng hơn từng khoảnh khắc sống.

 

Chương 2: Hãy thở như thể cuộc đời bạn phụ thuộc vào nó

Thứ nằm phía sau chúng ta và thứ nằm phía trước chúng ta chỉ là vụn vặt so với thứ nằm bên trong chúng ta” – Ralph Waldo Emerson

Thiền không có gì bí ẩn. Thực ra nó chỉ là rèn luyện tinh thần. Đó là khi tâm trí bạn đạt đến ngưỡng vừa chú ý vừa cảnh giác trong cùng một lúc. Nó gần như việc giữ xe đạp thăng bằng trên một vùng đất phẳng. Khi đó, ba phẩm chất tuyệt vời của tâm trí sẽ tự nhiên xuất hiện: an tĩnh, rõ ràng và hạnh phúc.

Thiền là một dạng rèn luyện dành cho tâm trí. Nếu bạn nâng tạ, bạn sẽ trở nên khỏe hơn. Nếu bạn chạy bộ thường xuyên, bạn sẽ chạy nhanh hơn và xa hơn. Cũng như vậy, khi thiền tâm trí của bạn trở nên an tĩnh hơn, nhạy cảm hơn, bạn có thể tập trung sự chú ý một cách mạnh mẽ và trong thời gian lâu hơn.

Quy trình thiền chánh niệm khá đơn giản, nó bắt đầu với một ý định, đó có thể là giảm áp lực hay tăng hạnh phúc. Mang sự chú ý nhẹ nhàng đến hơi thở. Hãy theo dõi hơi thở như một người gác cổng đứng ở cổng thành quan sát mọi người ra vào thành phố. Anh không làm gì cả, chỉ đứng yên lặng, quan sát mọi người ra vào với tinh thần cảnh giác. Nếu như chúng ta rơi vào xao nhãng, bắt đầu suy nghĩ lại, lo lắng hoặc ảo tưởng, chỉ cần đơn giản lấy lại tâm điểm chú ý bằng cách mang sự chú ý trở lại quá trình thở. Có bốn bước để ứng phó với sự xao nhãng, đó là:

1. Thừa nhận

2. Trải nghiệm mà không phán xét hay phản ứng

3. Nếu cần phản ứng, hãy tiếp tục duy trì sự chú tâm

4. Buông thả nó

Khi đã lấy lại được cân bằng và sự tập trung, hãy nhìn bản thân bằng con mắt đầy yêu thương, như qua con mắt của một người bà. Và: “Hãy thở như thể cuộc đời bạn phụ thuộc vào nó”.

Bạn có thể thiền ở bất kỳ tư thế nào bạn muốn. Hãy chắc chắn rằng đó là tư thế giúp bạn duy trì trạng thái vừa thư giãn vừa cảnh giác trong cùng một lúc trong một khoảng thời gian dài. Bạn có thể thử với tư thế thuyền truyền thống hay còn được gọi là  tư thế thiền bảy điểm:

1. Lưng thẳng như một mũi tên

2. Chân khoanh lại theo thế hoa sen

3. Vai thả lỏng, nâng lên cao và ra sau như con kền kền

4. Cằm thu lại một chút như một cái móc sắt

5. Mắt nhắm lại hoặc nhìn xa xăm

6. Lưỡi chạm vào vòm miệng

7. Môi hơi hở, răng không nghiến

 

Chương 3: Thiền không ngồi trên đệm

Thiền là một kỹ năng đem lại cho bạn năng lực tự nguyện mang sự chú ý đang đi lang thang trở lại hết lần này đến lần khác, nó là nền giáo dục hoàn hảo, thứ tốt nhất bạn có thể học, vậy nên hãy phổ biến việc thiền.

Thiền trong hoạt động

Mọi người luôn coi đi trên nước hay đi trên không là một phép màu. Nhưng tôi nghĩ phép màu thực sự không phải là đi trên nước hay đi trên không, mà là đi trên mặt đất. Mỗi ngày, chúng ta đều tham gia một phép màu thậm chí chúng ta còn không nhận ra: bầu trời xanh, mây trắng, lá xanh, đôi mắt đen tò mò của một đứa trẻ – đôi mắt của chính chúng ta. Tất cả đều là một phép màu – The Miracle of Mindfulness

Thiền không chỉ đơn giản là ngồi trên đệm mà nó còn hơn thế. Thiền hiển hiện trong từng vận động và từng cảm giác trên cơ thể. Khi bạn đưa thiền vào cuộc sống hằng ngày, bạn có thể hạnh phúc hơn mà không thay đổi bất cứ cái gì cả.

Thiền hướng tới người khác (Thiền nghe)

Món quà quý giá nhất mà chúng ta có thể trao cho người khác là sự hiện diện của chúng ta. Khi sự chú tâm bao bọc lấy những người chúng ta yêu thương, họ sẽ nở rộ như những đóa hoa” – Thích Nhất Hạnh

“Món quà quý giá nhất mà chúng ta có thể trao cho người khác là sự hiện diện của chúng ta. Khi sự chú tâm bao bọc lấy những người chúng ta yêu thương, họ sẽ nở rộ như những đóa hoa”

Hãy đưa sự chú ý trọn vẹn từng khoảnh khắc tới người khác với một tâm trí không phán xét, hãy yêu thương họ như yêu thương chính bản thân chúng ta vì bạn biết đấy “Lắng nghe là một ma thuật: nó biến một người từ một vật thể bên ngoài, mờ đục hoặc có khả năng gây nguy hiểm thành một trải nghiệm thân mật, và do đó thành một người bạn. Theo cách này, lắng nghe làm mềm và chuyển hóa người nghe”, Norman Fischer.

Thiền nói chuyện

Chúng ta có thể mở rộng thiền nghe tới thiền nói chuyện. Kỹ năng này có ba phần là lắng nghe, thắt nút và nhúng. Lắng nghe có nghĩa là trao món quà sự chú ý cho người nói. Thắt nút có nghĩa là thắt lại vòng tròn giao tiếp bằng cách thể hiện rằng bạn đã thực sự lắng nghe những điều người kia nói. Đừng cố nhớ tất cả mọi thứ: nếu bạn thực sự lắng nghe, bạn sẽ nghe. Nhúng có nghĩa là xem xét chính bản thân, biết rằng mình đang cảm thấy thế nào về những gì mình đang nghe. Chú ý trọn vẹn đến người nói, trong khi vẫn nhận thức trọn vẹn cảm xúc của mình.

Hãy nhớ rằng việc rèn luyện trí thông minh cảm xúc hay tập thiền cũng giống với một đứa trẻ tập đi. Đó là cả một quá trình lâu dài và rất cần sự nỗ lực, luyện tập thường xuyên. Bạn có thể sẽ “vấp ngã ở những bước đi đầu” nhưng đừng lo lắng bởi bạn vẫn đang tiến lên phía trước.

 

Chương 4: Sự tự tin hữu cơ

Bạn không thể giải quyết một vấn đề với cùng một tâm trí đã tạo ra nó” – Albert Einstein

Hãy nhìn vào bên trong bản thân và tự nhận thức, nghĩa là: “biết các trạng thái bên trong, các ưu tiên, các nguồn lực và các trực giác của mình”. Tự nhận thức chính là lĩnh vực mấu chốt của trí thông minh cảm xúc. Về cơ bản, không có ai hoàn hảo, và năng lực đánh giá chính xác giúp chúng ta thành công bất chấp những hạn chế của mình. Trong đó, tự tin là một năng lực rất mạnh:

Tự tin không phải là tự phụ. Khi bạn thực sự tự tin, cái tôi của bạn sẽ mềm dẻo: tùy tình huống, bạn có thể nắm lấy cai tôi hoặc buông bỏ nó để học một cái gì đó hoàn toàn mới thông qua việc lắng nghe. Và nếu bạn phát hiện ra rằng bạn không thể buông bỏ cái tôi, ít nhất bạn biết điều đó. Bạn có thể thừa nhận điều đó với bản thân. Cần rất nhiều sự tự tin để đủ khiêm tốn nhận ra các giới hạn của bản thân mà không chỉ trích chính mình” – Fischer, Talking our places

Để có được sự tự tin bạn cần phải có khả năng nhận thức bản thân, mà “Nhận thức bản thân là một chế đọ trung tính giúp duy trì sự kiểm điểm bản thân ngay trong những cảm xúc hỗn loạn nhất”, Daniel Goleman. Về cơ bản thì theo Dan, nhận thức bản thân chính là thiền. Hãy tưởng tượng ra một lá cờ đang tung bay trên cột cờ. Lá cờ đại diện cho tâm trí. Trong sự hiện diện của các cảm xúc mạnh, tâm trí có thể rối loạn như một lá cờ đang bay phần phật trong gió. Cột cờ đại diện cho thiền, nó khiến tâm trí ổn định và vững chãi, bất chấp mọi chuyển động cảm xúc. Nhờ đó, chúng ta có thể xem xét bản thân với sự khách quan của bên thứ ba.

Hãy tăng khả năng nhận thức bản thân bằng một trong hai cách: Quét cơ thể hoặc Ghi chép. Hai phương pháp này, bằng việc hỗ trợ sự am hiểu về bản thân và trung thực với bản thân, cũng tạo ra các điều kiện cho sự tự tin.

Cảm xúc của tôi không phải là tôi

Khi nhận thức của chúng ta đã trở nên sâu sắc hơn, cuối cùng chúng ta sẽ đạt đến một nhận thức rất quan trọng: chúng ta không phải là cảm xúc của chúng ta. Cảm xúc trở thành những gì chúng ta trải nghiệm trên cơ thể, vì vậy chúng ta chuyển từ “Tôi buồn” sang “Tôi cảm thấy buồn”. Nó giúp chúng ta làm chủ cảm xúc của chính mình thay vì để cảm xúc chi phối gây ra những lời nói hay hành động ngoài tầm kiểm soát.

Ý nghĩ và cảm xúc giống như đám mây, có đám mây đẹp có đám mây đen, còn bản thể cốt lõi của chúng ta là bầu trời. Đám mây không phải là bầu trời, chúng chỉ là hiện tượng trên bầu trời, hết đến rồi lại đi. Tương tự, ý nghĩ và cảm xúc không phải là chúng ta, chúng chỉ đơn giản là hiện tượng trong tâm trí cơ thể, hết đến rồi lại đi.

Sách hay nên đọc: Review sách: Thức tỉnh mục đích sống – Eckhart Tolle 

Chương 5: Điều khiển cảm xúc như thuần dưỡng một con ngựa

Không có sự làm chủ nào lớn hơn hay sự làm chủ nào nhỏ hơn sự làm chủ bản thân” – Leonardo da Vinci

Ngày xửa ngày xưa ở Trung Hoa cổ đại, có một người đàn ông cưỡi ngựa ngang qua một người đàn ông khác đang đứng bên đường. Người đang đứng bên đường hỏi: “Này anh cưỡi ngựa, anh đang đi đâu vậy?”. Người cưỡi ngựa trả lời: “Tôi không biết. Hỏi con ngựa ấy”.

Để tận dụng sự tự nhận thức để đạt được khả năng làm chủ các cảm xúc của chính mình chúng ta phải biết cách tự điều chỉnh. Theo Daniel Goleman, có năm năng lực cảm xúc nằm dưới lĩnh vực tự điều chỉnh:

1. Tự kiểm soát: Kiềm chế các cảm xúc và xung đột có thể gây hỗn loạn

2. Đáng tin cậy: Duy trì các chuẩn mực về sự trung thực và chính trực

3. Tận tâm: Nhận trách nhiệm về những việc làm của bản thân

4. Dễ thích nghi: Linh hoạt để đáp ứng trước sự thay đổi

5. Đổi mới: Thoải mái với các ý tưởng, cách tiếp cận và thông tin mới

Nên nhớ rằng tự điều chỉnh không phải là lảng tránh hay đè nén cảm xúc, nó cũng không có nghĩa là đạt được những cảm xúc nhất định nào đó. Tự điều chỉnh chỉ đơn giản là xử lý thành thạo các cảm xúc theo một hướng tích cực, có lợi cho mọi người.

Bất cứ khi nào một suy nghĩ hay một cảm xúc không lành mạnh khởi lên trong một tâm trí đã giác ngộ thì nó cũng giống như viết trên nước vậy; ngay khoảnh khắc nó được viết ra, nó đã biến mất luôn” – Đức Phật

Tập buông thả

Buông thả là một kỹ năng vô cùng quan trọng, nó giúp con người phân biệt giữa đau và khổ, đó là hai khái niệm tách biệt, cái này không nhất thiết dẫn đến cái  kia. Buông thả còn giúp bạn trải nghiệm sự sung sướng mà không bị thất vọng khi nó kết thúc.

Nếu bạn cảm thấy đau đớn vì bất cứ thứ gì bên ngoài, thì cơn đau không phải do thứ đó tạo ra, mà do cách bạn đánh giá nó; và do đó, bạn có sức mạnh để hủy bỏ nó bất kỳ lúc nào” – Marcus Aurelius, Meditations

Có bốn nguyên tắc chung giúp bạn giải quyết sự đau đớn:

1, Biết khi nào bạn không đau

2, Đừng cảm thấy tồi tệ về việc mình cảm thấy tồi tệ

3, Đừng cho quái vật ăn (quái vật: những nguồn cơn cảm xúc tồi tệ)

4, Khởi đầu mọi suy nghĩ bằng tình thương và óc hài hước

Và hãy kết bạn với cảm xúc của chính mình:

Con người là một nhà khách,

Mỗi sáng một vị khách mới lạ đến.

Một niềm vui, một nỗi buồn, một ý nghĩa,

một sự nhận thức ngắn ngủi nào đó

đến như một vị khách không mời.

 

Hãy chào mừng và khiến tất cả vui vẻ!

Dù cho đó là một đám đông nỗi buồn,

những kẻ thô bạo quét sạch đồ đạc

ra khỏi ngôi nhà của bạn.

 

Song, hãy đối xử trân trọng với từng vị khách

Có thể người đó đang làm sạch tâm trí bạn

để những luồng sáng mới có thể chiếu vào

 

Ý nghĩ đen tối, sự tủi hổ, tính hiểm độc

Hãy đón họ ở cửa và cười lớn,

rồi mời họ vào.

 

Hãy biết ơn bất kỳ ai đến,

vì mỗi người đều được trên cao gửi đến,

để làm người hướng dẫn.

  • Remi, Nhà khách

 

Chương 6: Tạo ra lợi nhuận, vượt qua đại dương và thay đổi thế giới

Điều bất biến đáng kính nhất, được hiểu rõ ràng nhất, được soi sáng nhất, đáng tin cậy nhất trên thế giới không chỉ là chúng ta muốn hạnh phúc, mà còn là chúng ta chỉ muốn hạnh phúc. Chính bản chất của chúng ta đòi hỏi ở chúng ta điều đó” – Thánh Augustine

Review sách: Search Inside Yourself – Tạo Ra Lợi Nhuận Vượt Qua Đại Dương Và Thay Đổi Thế Giới

Bí quyết của thành công chính là “phân phát hạnh phúc”. Theo Tom Hsieh, có ba loại hạnh phúc: khoái lạc, đam mê và mục đích cao cả. Trong đó, hạnh phúc có được từ mục đích cao cả có độ bền vững cao nhất, đặc biệt khi mục đích cao cả đó xuất phát từ sự vị tha. Và cách tốt nhất để tìm ra động lực trong công việc là tìm ra mục đích cao cả của bản thân. Có ba bài tập chính giúp tạo ra động lực cho bản thân:

1, Tương thích: Khiến các công việc tương thích với các giá trị và mục đích cao cả

2, Hình dung: Nhìn thấy tương lai chúng ta mong muốn

3, Phục hồi:  Khả năng vượt qua các chướng ngại vật trên con đường của chúng ta

Thất bại là một trải nghiệm bình thường. Ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, tất cả mọi người đều sẽ thất bại ê chề, dù đó là người thành công nhất và vĩ đại nhất. Thứ phân biệt người thành công với  người khác là thái độ đối với thất bại và cụ thể là cách họ giải thích thất bại với chính bản thân mình

Học hỏi sự lạc quan, trút bỏ sự bi quan

Hãy coi hạnh phúc như một đại dương sâu thẳm. Bề mặt có thể bập bềnh, nhưng đáy luôn an tĩnh. Tương tự, có những ngày mà một người hạnh phúc sâu bên trong có thể thấy buồn – ví dụ, ông ta nhìn thấy mọi người đau khổ – nhưng bên dưới nỗi buồn đó là một vùng hạnh phúc mênh mông sâu thẳm và không bao giờ dao động” – Matthieu Ricard

Review sách: Search Inside Yourself – Tạo Ra Lợi Nhuận Vượt Qua Đại Dương Và Thay Đổi Thế Giới

Cuộc sống luôn muốn thử thách chúng ta bằng những điều khó khăn, thật may mắn là chúng ta có thể dễ dàng vượt qua tất cả nếu luôn giữ cho mình một tinh thần lạc quan. Thật may mắn là chúng ta có thể học hỏi sự lạc quan bởi nó xuất phát từ thực tế và khách quan.

Bước đầu tiên để học hỏi sự lạc quan là nhận thức được mình có thành kiến mạnh về những điều tiêu cực. Barbara Fredrickson, một nhà tiên phong nổi bật trong lĩnh vực tâm lý tích cực đã chứng minh chúng ta cần đến ba trải nghiệm tích cực mới có thể vượt qua một trải nghiệm tiêu cực, tỷ lệ 3:1. Đừng chú ý quá nhiều đến số liệu, hãy chỉ tập trung vào những điều tích cực mà thôi!

Bước thứ hai là thiền. Thiền để tạo ra sự khách quan trong cách nhìn nhận đối với các trải nghiệm. Mang thiền đến suy nghĩ của bạn. Nếu đó là một trải nghiệm thành công, hãy mang thiền đến xu hướng giảm nhẹ nó. Nếu đó là một trải nghiệm thất bại, hãy mang thiền đến tác động bất tương xứng của nó lên bạn.

Bước cuối cùng là biến chuyển. Tạo thói quen tinh thần chú ý đúng mức đến các thành công thay vì thất bại. Hãy tập trung vào những bằng chứng thực tế cho rằng thất bại chỉ là tạm thời. Tạo những thói quen tinh thần mới cho cảm xúc và não bộ, hình thành sự lạc quan.

 

Chương 7: Sự đồng cảm và điệu tango của bộ não

Trước tiên hãy tìm cách thấu hiểu, rồi sau đó mới tìm cách để được thấu hiểu” – Stephen R. Covey

Đồng cảm không phải là đồng ý hay phân tích tâm lý. Đó là thấu hiểu người khác, cả ở mức độ lý trí lẫn mức độ bản năng, một cách đầy yêu thương, vừa phản đối họ một cách tôn trọng.

Cách làm tăng sự đồng cảm

Tình yêu thương sẽ làm tăng sự đồng cảm. Tình yêu thương là động cơ của sự đồng cảm; nó thúc đẩy bạn quan tâm, khiến bạn cởi mở với người khác hơn và người khác cởi mở với bạn hơn. Càng thể hiện tình yêu thương với người khác, bạn càng dễ đồng cảm với họ”- Matthieu Ricard

Review sách: Search Inside Yourself – Tạo Ra Lợi Nhuận Vượt Qua Đại Dương Và Thay Đổi Thế Giới

Để trở nên đồng cảm hơn chúng ta cần tạo ra một tâm trí có bản năng phản ứng theo cách đầy yêu thương với tất cả mọi người và một nhận thức tự động coi người khác cũng như mình mà thôi. Khi bản thân và người khác có sự tương đồng, khả năng đồng cảm sẽ cao hơn mức bình thường, lòng tin của người khác đối với bạn cũng sẽ được tạo dựng. Hãy bắt đầu bằng sự yêu thương, chân thành và cởi mở.

 

Chương 8: Vừa có hiệu quả, vừa được yêu quý

Để kết bạn với một người, hãy trở thành bạn của người đó” – Dale Carnegie

Có ba kỹ năng xã hội căn bản để làm việc vừa có hiệu quả, vừa được yêu quý đó là: dẫn dắt bằng lòng từ bi, ảnh hưởng bằng lòng tốt và giao tiếp bằng hiểu biết.

Dẫn dắt bằng lòng từ bi

Từ bi được xem là yếu tố giúp con người đạt được mức độ hạnh phúc cao nhất, là điều kiện cần thiết để tạo nên một người lãnh đạo xuất chúng. Hay nói cách khác, trạng thái hạnh phúc nhất chỉ có thể đạt được bằng lòng từ bi và điều này đòi hỏi sự tương tác trong cuộc sống thực với những con người thực. Để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả, bạn cần trải qua sự biến đổi quan trọng, đó là quá trình đi từ “tôi” đến “chúng tôi”. Rèn luyện lòng từ bi tức là chuyển từ bản thân sang người khác, cũng tương tự như quá trình chuyển đổi để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả cao.

Chúng ta có thể rèn luyện lòng từ bi bằng cách nhân sự tốt đẹp lên nhiều lần. Bắt đầu với quá trình nhìn ra sự tốt đẹp ở bản thân mình và người khác, trao sự tốt đẹp cho tất cả mọi người và cuối cùng là tự tin vào sức mạnh chuyển hóa của bản thân rằng tôi có thể nhân lên sự tốt đẹp.

Ảnh hưởng bằng lòng tốt

Ngay cả trong những tình huống khó khăn thì đôi khi chúng ta vẫn có thể vừa hoàn thành những công việc quan trọng vừa tạo ra được những tình bạn tốt đẹp. Để làm được điều đó, chúng ta cần một trái tim yêu thương, một tâm trí rộng mở và những kỹ năng xã hội đúng đắn.

Review sách: Search Inside Yourself – Tạo Ra Lợi Nhuận Vượt Qua Đại Dương Và Thay Đổi Thế Giới

David Rock đã tạo nên mô hình SCARF miêu tả năm lĩnh vực trải nghiệm xã hội mà bộ não coi là thành quả hay mối đe dọa chính: Status (địa vị); Certainty (sự chắc chắn); Autonomy (sự tự trị); Relatedness (sự liên quan); Fairness (sự công bằng). Việc vận dụng khéo léo các yếu tố SCARF vì lợi ích của tất cả mọi người sẽ tạo ra một tình huống mà tất cả mọi người đều được lợi và ảnh hưởng của bạn được mở rộng. Sau đây là kế hoạch gồm bốn bước để mở rộng quy mô và phạm vi tầm ảnh hưởng của bạn:

1, Mặc định rằng bạn vốn đã có ảnh hưởng, vốn đã tác động đến mọi người. Việc còn lại chỉ là làm tăng điều bạn vốn có.

2, Củng cố sự tự tin. Càng nhận thức rõ và thoải mái với điểm mạnh, điểm yếu của mình, bạn càng tự tin và càng ảnh hưởng đến mọi người hiệu quả hơn. Về mặt cảm xúc, mọi người sẽ bị hút về phía sự tự tin, đặc biệt là kiểu tự tin dựa trên yêu thương và chân thành.

3, Hiểu mọi người và giúp họ thành công. Bạn có thể ảnh hưởng đến mọi người hiệu quả hơn nếu bạn hiểu và cố giúp họ đạt được mục tiêu của mình theo những cách cũng giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.

4, Phục vụ cho lợi ích lớn hơn. Hãy làm vì lợi ích của cả nhóm, lợi ích của công ty hay lợi ích của thế giới nữa. Hãy truyền cảm hứng cho những người khác làm tương tự. Khi sự tốt đẹp của bạn truyền được cảm hứng cho người khác, bạn có thể ảnh hưởng đến họ hiệu quả hơn.

Giao tiếp bằng hiểu biết

Thế giới thực vừa là võ đường, vừa là thiên đường của bạn, và từ nơi đây bạn sẽ thu được năng lực của mình. Hiểu không?

Đồng cảm thôi chưa đủ, chúng ta cần phải biết cách giao tiếp để truyền được ý nghĩ, cảm xúc một cách hiệu quả. Theo đó, tiến hành những cuộc trò chuyện khó khăn là một kỹ năng cực kỳ hữu dụng. Có năm bước để tiến hành một cuộc trò chuyện khó khăn được nhắc đến trong Difficult Conversations:

1, Chuẩn bị ba cuộc trò chuyện: trả lời cho các câu hỏi về nội dung, cảm xúc và nhận diện

2, Quyết định có nên đưa ra vấn đề hay không

3, Bắt đầu từ câu chuyện thứ ba mang tính khách quan

4, Khám phá câu chuyện của họ và câu chuyện của bạn

5, Giải quyết vấn đề

 

Chương 9: Ba bước dễ dàng để đi đến hòa bình thế giới

Tôi cần trở thành sự thay đổi mà tôi muốn nhìn thấy ở thế giới” – Mahatma Gandhi

“Tôi cần trở thành sự thay đổi mà tôi muốn nhìn thấy ở thế giới”

Bắt đầu từ bản thân

Biến thiền thành một ngành khoa học

Đưa thiền vào cuộc sống

 

Bodhisattva lười biếng

Với sự an tĩnh sâu sắc bên trong,

Và lòng từ bi lớn lao,

Hằng ngày khao khát cứu thế giới.

Nhưng đừng cố đạt được nó.

Hãy chỉ làm những điều đến một cách tự nhiên

Vì nếu khát khao mạnh mẽ,

Và lòng từ bi nở hoa,

Những điều đến một cách tự nhiên nhất,

Cũng chính là những điều đúng nên làm.

Vì vậy hỡi bạn,

Tạo vật từ bi và khôn ngoan ơi,

Hãy cứu thế giới khi đang vui chơi.

Tác giả: Phương Anh

Sách hay nên đọc: Review sách: You Can Win – Bí Quyết Của Người Chiến Thắng

Theo dõi tụi mình trên Facebook tại Tủ Sách Tinh Hoa để cập nhật thêm những bài viết và những cuốn sách giá trị nhé ^^

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *